Huyện Phú Hòa - tỉnh Phú Yên

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH PHÚ YÊN (1/4/1975-1/4/2024) VÀ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (30/4/1975-30/4/2024)

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VỚI “MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM”

Chuyên mục: Kinh tế - Nông nghiệp nông thôn | Đăng ngày: 12/01/2018

Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đang được Bộ NN&PTNT triển khai trên phạm vi toàn quốc. “Mỗi xã một sản phẩm” thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là các tiềm năng, lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân; đến nay, đã có hơn 40 nước triển khai thành công, góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.

Thu hoạch khóm. Ảnh minh họa

Mục tiêu tổng quát của chương trình OCOP là tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy lĩnh vực kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển mạnh và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Qua đó, tạo đòn bẩy cho việc thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí liên quan đến kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Phú Hòa là địa phương có rất nhiều sản phẩm đặc sản mang tính truyền thống, cần được khôi phục, phát triển thành hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Vì vậy, thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” chính là tiếp sức cho nông thôn mới  phát triển. Theo Phòng NN và PTNT huyện Phú Hòa, trên cơ sở kế hoạch của Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, huyện Phú Hòa đã, đang tích cực triển khai xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.

Theo kết quả điều tra, khảo sát số liệu phục vụ cho việc xây dựng đề án, Phú Hòa có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được nhiều người biết đến như khóm Đồng Din, bánh tráng Đông Bình, chổi đót, chổi dừa, lúa giống xác nhận năng suất chất lượng cao,... Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia. Thu nhập và đời sống người dân trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp còn thấp, sản xuất nhỏ, năng suất lao động, giá trị canh tác trên đơn vị diện tích còn thấp, các sản phẩm chủ yếu là “xuất thô”, chưa được chế biến sâu, bao bì, mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.

Bánh tráng vào vụ Tết. Ảnh Quỳnh Chi

Cũng theo kết quả điều tra, khảo sát này, Phú Hòa hiện có 17 sản phẩm thế mạnh, thuộc 3 nhóm sản phẩm, bao gồm 11 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 4 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm – nội thất – trang trí và 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ nông thôn. Trong số 17 sản phẩm này chỉ có 4 sản phẩm thuộc các nhóm đã có công bố chất lượng sản phẩm và 2 sản phẩm có đăng ký sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm đạt 329.569 triệu đồng/năm (năm 2016); thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm này là trong và ngoài tỉnh. Về chủ thể sản xuất, trong tổng số 264 tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm địa phương thì có 2 doanh nghiệp, 2 HTX, 1 tổ hợp tác, 4 làng nghề và 255 hộ sản xuất kinh doanh. Trong số này, có 2 chủ thể sản xuất có trình độ công nghệ tự động hóa, 4 chủ thể có trình độ cơ khí và 9 chủ thể trình độ thủ công. Hiện các chủ thể sản xuất này hàng năm đã thu hút được hơn 2.849 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân 43,8 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, những lợi thế của Phú Hòa rất phù hợp và có khả năng phát triển nếu áp dụng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, do đó theo định hướng, huyện Phú Hòa sẽ phát triển sản phẩm thế mạnh trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác. Trong 17 sản phẩm thế mạnh của huyện nổi bật lên có 2 thương hiệu thuộc nhóm thực phẩm đã có công bố chất lượng sản phẩm và đăng ký sở hữu trí tuệ được nhiều người biết đến, đó là thương hiệu bánh tráng Đông Bình và khóm Đồng Din.

Từ nhiều năm nay, Thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa đã được quy hoạch thành một làng nghề bánh tráng với trên 120 hộ dân tham gia dự án. Nghề làm bánh tráng truyền thống ở Đông Bình đã xuất hiện từ mấy trăm năm nay với những chiếc bánh mang vị thuần khiết, đậm đà hương quê, chân chất như con người nơi đây với việc sử dụng nguồn nguyên liệu gạo của địa phương. Bánh được tráng rất đều, tròn đẹp; nướng giòn, nhúng dẻo, thơm ngon. Năm 2008, Hiệp hội bánh tráng Đông Bình được thành lập, nhờ đó mà các gia đình làm bánh tráng ở đây đã có mối liên kết chặt chẽ để phát huy vai trò kinh tế tập thể, hỗ trợ tốt việc tiếp cận thông tin thị trường cũng như việc thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập. Thay vì phương pháp thủ công truyền thống, nhiều gia đình đã đầu tư thiết bị sản xuất bánh tráng tự động với kinh phí hàng trăm triệu đồng, góp phần đáng kể vào giảm chi phí và công lao động. Thời gian qua, huyện Phú Hòa cũng đã triển khai kế hoạch đầu tư mở rộng một số cơ sở sản xuất tại làng nghề bánh tráng Đông Bình, đồng thời hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã vạch, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh nhằm tiếp tục gìn giữ và thúc đẩy sự phát triển của làng nghề truyền thống. Do đó, sản lượng của làng nghề tăng đều trong những năm gần đây, nếu năm 2014 là 1.600 tấn thì đến năm 2016, sản lượng đã lên đến 1.800 tấn.

Vùng trồng khóm Đồng Din chạy dọc theo Suối Cái rộng gần 500ha trải dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa của huyện Phú Hòa. Vùng khóm Đồng Din có gần 200 hộ dân chuyên trồng khóm, hộ trồng nhiều trên 10ha, còn lại đa số mỗi hộ trồng 7- 8ha. Theo nhiều người trồng khóm, nhờ thu hoạch khóm chín cây nên khóm sắc nước, ngọt thanh. Chất đất và tiểu vùng khí hậu ở đây làm cho khóm Đồng Din có vị ngon nổi tiếng. Khóm ở đây trồng trên rẫy cao chịu hạn, thu hoạch quanh năm, cho năng suất và chất lượng cao. Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện, năm 2016, sản lượng thu hoạch của thương hiệu khóm Đồng Din đạt hơn 1,12 triệu trái/năm. Qua tìm hiểu, trung bình 1ha khóm mỗi năm thu 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lại nông dân lãi 80 triệu đồng/ha. Vừa qua, sản phẩm này đã được Cục sản phẩm trí tuệ công nhận và hiện đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

Việc phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như: giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Người dân và tổ chức kinh tế đóng vai trò chủ đạo trong chương trình OCOP; là người phát hiện ra tiềm năng của quê hương mình, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh nhất, đồng thời, lập kế hoạch để phát triển, tập trung sản xuất, chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phú Hòa hiện có một số ngành nghề công nghiệp nông thôn như chế biến hạt điều, sản xuất gạch không nung, ốp lát, sản phẩm từ gỗ, tre, nứa và 4 làng nghề được công nhận gồm: Làng nghề bánh tráng Đông Bình, bó chổi đót Mỹ Thành, bún Định Thành, hoa và rau màu Ngọc Sơn Đông. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã hỗ trợ cho các làng nghề trong công tác đầu tư hạ tầng, máy móc, xúc tiến thương mại như thành lập hiệp hội, đăng ký nhãn hiệu tập thể, công bố chất lượng, đăng ký mã vạch… Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, không tập trung, nguồn nguyên liệu chưa ổn định, số lượng hàng hóa tiêu thụ chưa nhiều, kinh phí hoạt động làng nghề còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến công tác phát triển làng nghề, các sản phẩm chủ lực cũng như trong xây dựng “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”.

Song song với việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện nông thôn mới hoàn thành trước năm 2020, Phú Hòa cũng đang tập trung, đẩy nhanh tiến độ để xây dựng và triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây được xem là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; tạo nhiều công ăn việc làm; đồng thời thu hút nhiều lao động nông thôn và nguồn vốn đầu tư giúp cho việc xây dựng nông thôn mới Phú Hòa thêm bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi..., Phú Hòa quyết tâm xây dựng, triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới”

Quỳnh Chi

 


Các tin cùng chuyên mục:

Tiếp nhận phản ánh việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 15/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Văn phòng HĐND - UBND huyện: 02573.886.548
Ông Nguyễn Bá Khải - Chủ tịch UBND Huyện 0903.584.789
Ông Đào Chu Tấn Đông - Chánh Thanh tra Huyện 0915.146.543
Bà Phan Thị Lệ Thu - Trưởng Phòng Nội vụ 0975.354.664
Thanh tra Sở nội vụ 02573.842.733
Phòng CCHC Sở nội vụ 02573.842.954
  • Phú Hòa: Cải cách hành chính - nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH
  • Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Yên
  • Sử dụng khẩu trang phòng ngừa virus nCoV
  • Hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng phòng chống virus nCorV
  • PV TT Son khuyen cao lay nCoV khi SD thu thuat khi dung

Thống kê truy cập