• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Phú Hòa "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !

Di tích cấp Quốc gia Đập đồng Cam Phú Hòa

Đập Đồng Cam nằm trên sông Ba, thuộc địa bàn hai huyện Phú Hòa và Tây Hòa của tỉnh Phú Yên. Ở phía bờ Bắc, di tích thuộc địa bàn thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội; ở bờ Nam di tích thuộc địa bàn thôn Qui Hậu xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa.

Ý tưởng về việc xây dựng một hệ thống thủy lợi trên sông Ba để lấy nước tưới cho đồng bằng Tuy Hòa đã được một số kỹ sư người Pháp đề xuất vào cuối thế kỷ 19. Đến năm 1904, ý tưởng này mới bắt đầu được khởi động với việc khảo sát và thiết kế công trình dưới sự hướng dẫn của 2 kỹ sư người Pháp là Desbos và Fayard. Tuy nhiên vào thời điểm này do khó khăn về ngân sách nên dự án chưa được thực hiện. Đến năm 1920, đồ án thiết kế được kỹ sư Lefevre tiếp tục hoàn thiện, và đến tháng 11 năm 1923 thì được Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ phê duyệt. Vị trí được chọn xây dựng đập thuộc khu vực Đồng Cam cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km, vì thế công trình này được mang tên là đập Đồng Cam. Tuy nhiên, ngoài con đập chính còn có một hế thống kênh dẫn thủy để dẫn nước tưới cho đồng ruộng.

Công trình thủy nông Đồng Cam được chính thức khởi công xây dựng vào năm 1924 và được khánh thành vào ngày 7/9/1932.

Công trình đầu mối gồm 1 đập dâng, cống lấy nước và cống xả cát ở 2 đầu thân đập. Việc xử lý nền móng công trình đầu mối phải phá 22.000m3 đá, thi công các đê quây, đường vận chuyển nội bộ phải dùng 30.000m3 đá hộc.  Nếu tính cả thời gian xây dựng công trình đầu mối và hệ thống kênh dẫn thủy thì công trình thủy nông Đồng Cam được thi công trong gần 10 năm. Kinh phí xây dựng là 3.650.000 đồng Đông Dương và 5.350.000 ngày công lao động. Trung bình mỗi ngày trên công trường xây dựng có 1.200 người làm việc, đợt cao điểm có đến 5000 người.

Sau khi hoàn thành công trinh thủy nông Đồng Cam gồm hệ thống đập đầu mối với 1 đập chắn xây dựng trên nền đá đá tự nhiên có chiều cao trung bình là 5m, trong đó nơi cao nhất là 10m và nơi thấp nhât là 3m. chiều dài đập 654,9m, chiều dài phần tràn nước là 590m, kết cấu bằng đá xây. Năm 1999 bọc lại bằng bê tông cốt thép đoạn đập tràn nước dài 590m, chiều dày bình quân 35cm.

Ở hai đầu thân đập chỗ tiếp giáp với bờ sông có hệ thống cống lấy nước và cổng xả cát với 3 cửa cống ở phía bắc và 4 cửa cống ở phía nam. Từ các cửa cống này nước được cho chảy vào kênh chính Bắc và kênh chính Nam. Để xây dựng hai con kênh này phải đào xuyên qua các khối đá núi rắn chắc trong đó đoạn đào qua các khối đá ở bờ Bắc dài 964m, đoạn ở bờ nam dài 1975m. Tổng chiều dài kênh chính hữu ngạn dài 36km và 9 kênh phụ và mương dài 49km tưới cho 11.000 hec - ta. Kênh chính tả ngạn là 32km và 7 kênh phụ và mương dài 48km tưới cho 8.000 hec - ta.

Tại khu vực đập đầu mối Đồng Cam có Bia Tưởng niệm được xây dựng vào năm 1929, ghi tên 54 người hy sinh trong quá trính xây dựng đập Đồng Cam. Miếu Sơn thần nằm cách bia Tường niệm khoảng 100m về phía đông, thể hiện tín ngưỡng tâm linh đối với vị thần Núi của người dân Phú Yên trong tiến trình lịch sử.

Từ khi có công trình này toàn bộ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Tuy Hòa có bước phát triển nhảy vọt, từ một vùng đồng bằng chỉ sản xuất một vụ bấp bênh với tên gọi là “Đồng Gieo”, sau khi có công trình thủy nông đã trở thành một vùng sản xuất với 2 đến 3 vụ lúa ăn chắc, năng suất tăng lên gấp nhiều lần, đem lại sự trù phú cho đồng bằng Tuy Hoà. Từ lâu, hệ thống thuỷ nông Đồng Cam đã được xem là “mạch sống quê hương” ăn sâu vào ký ức của người của người dân Phú Yên.

Công trình đập Đồng Cam không chỉ là một công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc; đập Đồng Cam là một di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của lớp người đi trước. Việc xác định vị trí xây dựng, thiết kế công trình, việc tính toán chuẩn xác cho từng hạng mục công trình, sức bền vượt thời gian của công trình, đặc biệt là quá trình thi công hoàn thành công trình chủ yếu bằng sức người trong thời điểm chưa có nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ là điều khiến thế hệ hôm nay hết sức trân trọng:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Đồng Cam xây dựng nhớ ngày năm xưa

Gian nan cực nhọc bấy giờ

Công ơn biết mấy cho vừa đừng quên

Lễ hội đập Đồng Cam diến ra vào các ngày 7 và ngày 8 tháng Giêng (Âm lịch).


Thư viện ảnh
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 366
Hôm qua : 205
Tháng 10 : 6.951
Tháng trước : 9.432
Năm 2024 : 16.794