• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Phú Hòa "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !

Gành đá

Nằm giữa vùng châu thổ sông Đà Rằng, Gành Đá xã Hòa Thắng , huyện Phú Hòa gồm nhiều cụm đá lớn tạo thành quần thể cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Đến đây, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ ảo của đá mà còn tìm hiểu nét đẹp truyền thống văn hóa-lịch sử của vùng đất này.

 

/upload/105475/20241011/grab32a77Ganh_Bo.jpg

                     

Gành Bồ với các khối đá đồ sộ vươn lên trời cao.

 

 

 

1. Vẻ đẹp kỳ ảo của đá và truyền thống lịch sử-văn hóa của một vùng đất

  Ở vị trí cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 7km về phía Tây, cạnh Quốc lộ 25, thuộc thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, gành Đá hiện lên giữa cánh đồng lúa xanh với các dãy núi đá nhiều tầng nấc cao thấp. Nằm trong tổng thể di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ trên địa bàn huyện Phú Hòa như: Thành Hồ, đập Đồng Cam, mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, nhà thờ Thống chế Nguyễn Công Nhàn, suối nước nóng Phú Sen và các làng nghề truyền thống như: làng nghề bánh tráng Đông Bình, làng nghề bún Định Thành, làng nghề đan đát thôn Mỹ Hòa, làng nghề bó chổi Mỹ Thành... nên Gành Đá là một trong những điểm tham quan du lịch khá thú vị khi đến Phú Hòa.

Đến nơi đây, du khách sẽ có được cảm giác tuyệt vời khi ngắm nhìn từng dãy đá trải dài như sống lưng của những con rồng hóa thạch đang nằm ngay giữa đồng ruộng mênh mông. Nét đặc trưng tạo thành sức hấp dẫn ở đây chính là vẻ đẹp của đá. Những rìa đá, cụm đá với các hình thù kỳ lạ như mỏ chim, đầu rắn, miệng hùm, dê núi... vươn lên giữa nền trời xanh, tạo nên những thành trì vững chắc kéo dài gần 1km bao quanh cánh đồng lúa xanh rờn của thôn Mỹ Hòa. Những khối đá ở đây dù không to lớn đồ sộ, không quá cao nhưng cũng đủ làm du khách choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó.

Rải rác xung quanh Gành Đá có nhiều cụm đá nối tiếp nhau như: núi Sầm, núi Miếu, núi Chóp Chài tạo thành dãy đá dài hàng chục kilomet. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu thì vùng này xưa kia là vịnh nên bờ biển ăn sâu vào đất liền, gành Đá là những cù lao, núi đá nằm chơ vơ giữa biển; nơi đây diễn ra các hoạt động thương mại khá nhộn nhịp thu hút thương nhân các nước lân cận đến trao đổi hàng hóa(1). Gành Đá được tạo bởi hệ thống 5 cụm đá với các tên gọi và kích cỡ khác nhau: gành Miễu, gành Quan, gành Quýt, gành Bồ, gành Đuôi. Vì vậy, gành Đá còn có tên gọi là Ngũ Thạch sơn. Phần cuối hệ thống gành Đá có cụm đá Thạch Bình với các tảng đá to như mặt bàn, bằng phẳng. Tại đây nhân dân xóm Thạch Bình dựng ngôi miếu nhỏ để thờ thần Bạch Mã và các vị thần địa phương.

Gành Đá được cấu tạo bởi loại đá Thạch Anh có nhiều màu sắc: màu ám khói, vàng sỏi, trắng đục, trắng tinh khiết. Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học và địa chất cho biết gành Đá hình thành do nội lực của trái đất. Thành phần ô xít silic cắt các mạch đá có trước tạo thành một hiện tượng đứt gãy theo phương Á kinh tuyến (theo phương bắc - nam) làm cho các tảng đá vươn thẳng. Hiện tượng này cách đây khoảng vài ba triệu năm, tạo nên một tuyệt tác độc đáo của thiên nhiên.

Với hình dạng tự nhiên khá độc đáo, Gành Đá trở thành cảnh quan thiên nhiên đẹp nằm giữa vùng châu thổ sông Đà Rằng. Đứng trên đỉnh cao của gành Bồ, bạn sẽ có cảm giác như thu vào tầm mắt cả vùng đồng bằng Tuy Hòa với những thửa ruộng hình ô vuông xanh ngút ngàn được ôm ấp bởi những xóm làng yên bình. Xa xa là những làn khói bếp tỏa lên trên nền xanh thẫm của lũy tre từ những mái nhà nhỏ của xóm Thạch Bình lúc chiều tà. Nếu ghé thăm Gành Đá khi mặt trời vừa nhô lên hay khi ánh hoàng hôn buông xuống, chúng ta sẽ thấy toàn cảnh các khối đá với vẻ đẹp kỳ ảo nhuốm màu vàng óng hoặc ửng đỏ như một viên hồng ngọc lớn.

Dân gian tương truyền, nơi này khi xưa là vùng đầm lầy trũng thấp, nơi thú dữ trú ngụ, lũ lụt xảy ra triền miên gây tai hoạ cho dân chúng, trời đã sai người khổng lồ, gánh núi lấp những vùng trũng, trong quá trình làm, người khổng lồ làm rơi vãi những mảnh đá nên tạo lên một Gành Đá như ngày hôm nay.

 

/upload/105475/20241011/grab04985Ganh_Duoi.jpg

 

 

 

 

 

Sự độc đáo của Gành Đá khiến các nhà địa lý mỗi khi đi ngang qua đây đều tấm tắc khen là vùng “địa linh nhân kiệt”. Điều thú vị là du khách không chỉ chiêm ngưỡng thắng cảnh mà còn tìm hiểu về con người và văn hóa truyền thống khi đến thăm vùng đất này. Đơn cử như ông Đào Tấn Tú ở làng Tây Phú (nay là thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng) là người đậu cử nhân đầu tiên ở vùng đất Tuy Hòa vào năm 1841, về sau được bổ nhiệm làm tri huyện ở An Giang và Bình Thuận, nổi tiếng là thanh liêm. Hay ở thôn Phong Niên có Thống chế Nguyễn Công Nhàn được triều Nguyễn phong hàm chánh nhị phẩm vì có nhiều công lao đánh Xiêm La và giặc Pháp ở Nam Kỳ. Ông được vua Minh Mạng thưởng cho một tấm thẻ bài vàng có hàng chữ “hùng dũng tướng” và được khắc tên vào cỗ súng Thần uy phục viễn (cỗ thứ tư) tại kinh thành Huế. Hiện tại nhà thờ của ông còn lưu giữ 14 sắc phong của các triều vua Nguyễn ban cấp. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh của 7 Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ(2) và nhiều người đỗ đạt cao.

Gành Đá không chỉ là thắng cảnh mà còn là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử. Từ năm 1947-1952, bộ đội địa phương chọn điểm cao gành Bồ làm nơi theo dõi tàu chiến của Pháp đổ bộ để báo cho nhân dân đồng bằng Tuy Hòa tản cư. Trong những năm 1968-1969, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh gành Đá biểu dương lực lượng cách mạng trong vùng địch tạm chiếm. Năm 1973, Gành Đá là địa điểm đội du kích xã Hòa Thắng bao vây, tiêu diệt 1 đại đội quân ngụy Sài Gòn. Ngày 20/3/1975, cờ đỏ sao vàng tung bay trên gành Bồ, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân xã Hòa Thắng và huyện Tuy Hòa 2(3).

Gành Đá được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên công nhận là danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh theo Quyết định 782/QĐ-UBND ngày 18/5/2011.


Thư viện ảnh
Văn bản mới
Thống kê truy cập
Hôm nay : 371
Hôm qua : 205
Tháng 10 : 6.956
Tháng trước : 9.432
Năm 2024 : 16.799